Đã 10 năm nay, ba mẹ và gia đình không dám cho con tiêm thêm bất cứ mũi vaccine nào, từ lần sốc phản vệ sau tiêm ngừa lúc bé hơn 2 tháng tuổi.

VÌ SAO BÂY GIỜ BÉ LẠI ĐƯỢC ĐƯA ĐẾN PHƯƠNG CHÂU TIÊM NGỪA?

Khi tương tác với bác sĩ và được tư vấn kỹ về quá trình bệnh sử, mẹ bé chia sẻ: kể từ lần cả nhà hốt hoảng, lo sợ đưa bé đi cấp cứu khi có biểu hiện: tím tái môi, lạnh chi sau tiêm ngừa Quinvaxem ở trạm y tế gần nhà, đến nay bé chưa được tiêm thêm bất kỳ loại vaccine nào khác. Do một phần lo sợ phản ứng sau tiêm ngừa lặp lại bên cạnh việc từ chối tiếp nhận tại các cơ sở chủng ngừa ngoài bệnh viện do không đủ điệu kiện cho hồi sức cấp cứu. Điều này đồng nghĩa với việc bé không có sự bảo vệ chủ động nào đối với các bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ.

Cho đến lần này, con đã 10 tuổi, trong một lần bất cẩn chơi giỡn đạp phải vật nhọn kim loại dính bùn & rỉ sét, sau khi đến một trung tâm tiêm ngừa đã được hướng dẫn vào bệnh viện để tiêm ngừa uốn ván.

Phương Châu tiếp nhận trường hợp trên với một cuộc hội chẩn gồm: trưởng khoa Nhi, bác sĩ tiêm ngừa, bác sĩ dị ứng, bác sĩ viện Pasteur để thống nhất chỉ định tiêm ngừa uốn ván cho bé theo một phác đồ an toàn.

Trước tiêm, các bác sĩ tiến hành test thuốc với vaccine và huyết thanh kháng độc tố uốn ván (kiểm tra, theo dõi với một lượng nhỏ được pha loãng hơn nồng độ các loại thuốc dự kiến tiêm).

KẾT QUẢ TEST cho thấy: bé có thể tiêm được vaccine uốn ván nhưng huyết thanh thì lại gây dị ứng, không tiêm được.

Trường hợp này nan giải bởi thuốc cần dùng lại có phản ứng với bé. Bác sĩ dị ứng đã quyết định tiêm cho bé theo phương pháp giải mẫn cảm. Đồng thời, cả đội ngũ chuẩn bị sẵn sàng bộ dụng cụ cấp cứu và hồi sức, đề phòng trường hợp có xảy ra sốc khi tiêm thì sẽ kịp thời tiến hành cấp cứu cho bé.

Rất may mắn là qua mỗi lần tiêm liều nhỏ tăng dần và cộng dồn, bé đã được tiêm hết liều huyết thanh cần dùng mà không xảy ra phản ứng nguy hiểm gì.

Cuối cùng thì nhìn người mẹ nhoẻn miệng cười âu yếm chăm sóc con trai theo dõi 24h trước khi xuất viện về nhà, lòng chúng tôi ấm áp. Bởi có lẽ nỗi lòng nặng trĩu, sự ám ảnh nơi người mẹ và gia đình gần 10 năm qua nay đã được giải tỏa phần nào. Chỉ bằng cách bảo vệ con an toàn mới là mong mỏi lớn nhất của người mẹ và gia đình khi nhắc đến khái niệm “những mũi tiêm ngừa” cho con trai của mình.

Có 2 điều bác sĩ Nhi khoa Phương Châu rất trăn trở và muốn chia sẻ với các gia đình có con nhỏ qua câu chuyện này:

Trước tiên, chúng tôi xin khẳng định, việc tiêm ngừa cho trẻ là vô cùng cần thiết. Ba mẹ & gia đình không nên sợ các phản ứng sau tiêm (sốt, sưng đau..) mà không tiêm cho trẻ. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm cho con nhỏ kèm theo nhiều hệ lụy, di chứng nặng nề để lại nếu không may mắc bệnh.

Đặc biệt đối với những trường hợp ba mẹ lo lắng cho sự an toàn của con có phản ứng sau tiêm ngừa thì những lần tiêm sau nên được cẩn trọng hơn, đưa bé đến tiêm ở bệnh viện mới có đủ khả năng xử trí cấp cứu và tiếp nhận các trường hợp phản ứng nặng trước đó.

Đó là lời khuyên dành cho khách hàng.

Và nhìn nhận lại từ góc độ y khoa, có những yếu tố quan trọng nào giúp tập thể Phương Châu chúng tôi tuân thủ tốt được quy trình khám & tiêm ngừa an toàn?

Đó là sự tin tưởng, phối hợp tốt giữa các gia đình & bác sĩ trong quy trình tư vấn, khai thác bệnh sử trước, trong và theo dõi sau tiêm ngừa. Đồng thời, bác sĩ các chuyên khoa đã nỗ lực phát huy hết vai trò của mình trong cuộc hội chẩn nhằm đưa ra phác đồ xử trí phù hợp và hiệu quả nhất cho bé.

Wildcard SSL